Bạn phải là hạng người như thế nào?
1 Cả nhân loại sắp sửa phải đối phó với một thời kỳ kiểm kê tính sổ. Kinh-thánh gọi đó là “ngày của Chúa [Đức Giê-hô-va]”. Đó là thời điểm khi mà Đức Chúa Trời thi hành án lệnh nghịch lại những kẻ ác; đó cũng là thời điểm để giải cứu người công bình. Tất cả những người còn sống vào lúc đó sẽ phải thưa trình về cách họ đã dùng đời sống của họ. Liên tưởng đến điều đó, Phi-e-rơ nêu ra câu hỏi thâm thúy: “Anh em phải là hạng người như thế nào?” Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ‘nên thánh, tin kính trong mọi sự ăn ở và ghi nhớ ngày Đức Giê-hô-va’, cũng như nhu cầu cần phải ‘không tì vết, không chỗ trách được và ăn ở bình an’ (II Phi-e-rơ 3:11-14, NW).
2 Nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở: Sự nên thánh bao hàm những việc làm gương mẫu biểu lộ sự quí trọng đối với các nguyên tắc Kinh-thánh (Tít 2:7, 8). Tín đồ đấng Christ phải tránh hạnh kiểm theo thế gian được thúc đẩy bởi các sự ham muốn ích kỷ và xác thịt (Rô-ma 13:11, 14).
3 “Tin kính” được miêu tả là “một sự quyến luyến giữa một người với Đức Chúa Trời, xuất phát từ một tấm lòng tràn đầy sự biết ơn sâu đậm đối với các đức tính hấp dẫn của Ngài”. Sự sốt sắng của chúng ta trong thánh chức là một cách phi thường để chúng ta biểu lộ đức tính này. Động lực rao giảng của chúng ta không chỉ xuất phát từ một tinh thần có trách nhiệm mà còn từ tình yêu thương đậm đà đối với Đức Giê-hô-va (Mác 12:29, 30). Được thúc đẩy bởi tình yêu thương như thế, chúng ta xem thánh chức của mình là một cách đầy ý nghĩa để thể hiện sự tin kính. Bởi lẽ chúng ta phải luôn luôn tỏ sự tin kính, chúng ta cũng nên đều đặn trong công việc rao giảng. Chúng ta nên đặt công việc rao giảng lên hàng đầu khi sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần của chúng ta (Hê-bơ-rơ 13:15).
4 “Ghi nhớ” ngày Đức Giê-hô-va có nghĩa chúng ta suy nghĩ nhiều nhất về điều đó hàng ngày, không bao giờ gạt nó qua một bên, hoặc để nó vào một xó trong hậu trường. Điều đó có nghĩa là đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống chúng ta (Ma-thi-ơ 6:33).
5 Không tì vết, không chỗ trách được và ăn ở bình an: Là thành phần của đám đông, chúng ta “đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con” (Khải-huyền 7:14). Vậy “không tì vết” có nghĩa là chúng ta phải cương quyết đề cao cảnh giác không cho sự ô uế của thế gian làm hoen ố đời sống thanh sạch và tận tụy của chúng ta. Chúng ta giữ mình “không chỗ trách được” bằng cách không để cho lòng ham muốn không tin kính về vật chất làm hoen ố nhân cách đạo đấng Christ (Gia-cơ 1:27; I Giăng 2:15-17). Chúng ta chứng tỏ rằng mình “ăn ở bình an” bằng cách phản ảnh “sự bình-an của Đức Chúa Trời” mỗi khi cư xử với người khác (Phi-líp 4:7; Rô-ma 12:18; 14:19).
6 Nếu chúng ta thành công trong việc đề phòng chống lại sự tiêm nhiễm của thế gian, chúng ta sẽ không bao giờ “làm theo đời nầy” vốn bị Đức Giê-hô-va lên án. Thay vì thế, các việc lành của chúng ta sẽ giúp người khác phân biệt rõ “giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài” (Rô-ma 12:2; Ma-la-chi 3:18).
7 Phần đông chúng ta đã dự hội nghị địa hạt “Những người vui mừng ca ngợi” và chắc chắn thức ăn thiêng liêng tươi mát trong dịp này đã cảm hóa chúng ta để bày tỏ sự tin kính mỗi ngày một nhiều hơn. Nhiều người mới cũng có ước muốn này. Chúng ta có thể là một ân phước bằng cách giúp họ tham gia rao giảng trong tháng 8.
8 Danh Đức Giê-hô-va được vinh hiển, hội thánh được tăng cường và những người khác hưởng được lợi ích khi chúng ta tận tâm “ăn-ở ngay-lành” (I Phi-e-rơ 2:12). Mong rằng chúng ta luôn luôn là hạng người như thế.