‘Đức Giê-hô-va giúp-đỡ tôi’
1 Khi Chúa Giê-su giao phó nhiệm vụ cho các môn đồ đầu tiên, ngài nói: “Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông-sói” (Ma-thi-ơ 10:16). Phải chăng điều đó khiến họ đâm ra sợ sệt và chùn bước? Không. Họ vun trồng thái độ mà sau đó sứ đồ Phao-lô nhắc đến khi nói với anh em tín đồ đấng Christ: “[Hãy] lấy lòng tin chắc mà nói rằng: Chúa giúp-đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được?” (Hê-bơ-rơ 13:6). Họ vui mừng được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh của Chúa Giê-su và họ không ngớt tiếp tục dạy dỗ và rao truyền tin mừng (Công-vụ các Sứ-đồ 5:41, 42).
2 Ngày nay công việc rao giảng trên khắp thế giới bước vào giai đoạn chót. Y như Chúa Giê-su đã tiên tri, chúng ta bị mọi dân ghen ghét (Ma-thi-ơ 24:9). Công việc rao giảng của chúng ta bị chống đối và chế giễu và tại vài nơi trên đất, còn bị cấm đoán nữa. Nếu thiếu đức tin, chúng ta có thể cảm thấy khiếp sợ. Tuy nhiên, vì biết rằng Đức Giê-hô-va là Đấng giúp đỡ, nên chúng ta được khích lệ và có thêm sức mạnh để kiên trì.
3 Sự can đảm là một đức tính mạnh mẽ, dạn dĩ, dũng cảm. Nó phản nghĩa lại sự sợ hãi, nhút nhát, hèn yếu. Môn đồ của Chúa Giê-su luôn luôn cần phải can đảm để chịu đựng. Sự cam đảm là cần thiết nếu chúng ta muốn tránh bị nản lòng trước thái độ và hành động của một thế gian thù nghịch Đức Chúa Trời. Thật là khích lệ làm sao khi chúng ta nghĩ đến gương xuất sắc của Chúa Giê-su, đấng đã thắng thế gian! (Giăng 16:33). Cũng hãy nhớ là các sứ đồ đã từng dạn dĩ tuyên bố khi phải đối phó với thử thách cam go: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29).
4 Chúng ta không phải là hạng người e sợ: Chúng ta nên gắng công duy trì một thái độ tích cực đối với công việc của mình (Hê-bơ-rơ 10:39). Hãy luôn luôn nhớ kỹ rằng chúng ta được Đức Giê-hô-va phái đi làm sứ giả đến với nhân loại để biểu lộ sự yêu thương và thương xót của ngài đối với họ. Ngài không bao giờ bảo tôi tớ ngài làm bất cứ chuyện gì không có mục đích hữu dụng. Mọi việc chúng ta được giao phó đều nhằm mục đích đem lại lợi ích cho những người yêu thương Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:28).
5 Nhìn bằng mắt lạc quan sẽ giúp chúng ta tiếp tục tìm kiếm những người giống như chiên trong khu vực của chúng ta. Chúng ta có thể thông cảm rằng sở dĩ người ta tỏ ra lãnh đạm là vì họ chán nản và vô vọng. Mong sao lòng yêu thương thúc đẩy chúng ta thông cảm và nhẫn nại đối với họ. Mỗi lần chúng ta phát ấn phẩm hoặc bằng cách khác phát hiện được một chút sự chú ý, chúng ta nên đặt mục tiêu là mau mắn trở lại để vun trồng thêm sự chú ý. Chúng ta không bao giờ nên nghi ngờ khả năng của mình trong việc bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh-thánh hoặc khả năng hướng dẫn hữu hiệu cuộc học hỏi đó. Trái lại, chúng ta nên năng tìm kiếm sự giúp đỡ và chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, tin tưởng rằng ngài sẽ giúp chúng ta.
6 Chúng ta tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ lo liệu sao cho công việc được hoàn tất mỹ mãn. (So sánh Phi-líp 1:6). Niềm tin tưởng tuyệt đối của chúng ta nơi ngài là Đấng giúp đỡ chúng ta sẽ làm chúng ta vững mạnh thêm lên, hầu chúng ta “chớ mệt-nhọc về sự làm lành” (Ga-la-ti 6:9).